Bạn vừa lau nhà xong, sàn nhà sáng bóng, nhưng một lúc sau lại xuất hiện mùi tanh khó chịu? Đây là vấn đề mà nhiều gia đình gặp phải. Tại sao sàn nhà có mùi tanh sau khi lau? . Mùi tanh không chỉ gây khó chịu mà còn khiến không gian sống trở nên kém sạch sẽ dù bạn đã tốn công vệ sinh. Để giải quyết triệt để, chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng đúng phương pháp. Dưới đây là những lý do phổ biến gây ra mùi tanh sau khi lau nhà và cách xử lý chi tiết.
Nội dung
1. Nguồn nước lau nhà có chất lượng kém
Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến sàn nhà bốc mùi tanh chính là do chất lượng nước bạn sử dụng để lau. Nước máy ở một số khu vực có thể chứa nhiều khoáng chất, tạp chất hữu cơ hoặc vi sinh vật. Khi các chất hữu cơ này bị phân hủy, chúng sinh ra các hợp chất như trimethylamine hoặc dimethyl sulfide – đây là những tác nhân gây mùi tanh rất đặc trưng.
Ngoài ra, trong điều kiện môi trường ấm áp, những chất này dễ bay hơi, bám vào sàn và phát tán vào không khí, tạo mùi hôi dù bề mặt sàn vẫn sáng bóng.
Cách xử lý:
- Nếu nghi ngờ nước máy có vấn đề, nên dùng nước đã đun sôi hoặc nước đã qua máy lọc để lau nhà.
- Có thể pha thêm vài giọt giấm trắng, nước cốt chanh hoặc tinh dầu sả, bưởi… để khử mùi và tăng hiệu quả làm sạch.
2. Cây lau nhà bị mốc hoặc bẩn
Cây lau nhà là vật dụng tiếp xúc trực tiếp với sàn, nên nếu bản thân cây đã có mùi hoặc chứa nấm mốc thì việc lan mùi tanh lên sàn là điều hiển nhiên. Thông thường, sau khi sử dụng xong, nhiều người có thói quen để cây lau nhà ướt trong góc phòng tắm tối và ẩm. Đây là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc phát triển trong lõi và các sợi vải của chổi lau.
Khi bạn tiếp tục sử dụng cây lau này mà không giặt sạch, vi sinh vật và mùi mốc sẽ truyền lên sàn, gây mùi rất rõ ngay cả khi bạn vừa lau xong.
Cách xử lý:
- Sau khi dùng xong, nên giặt sạch cây lau và phơi khô ngoài nắng mỗi lần sử dụng.
- Nếu cây đã bị mốc, hãy áp dụng cách khử mốc:
- Chuẩn bị: muối hạt, baking soda, nước rửa bát.
- Pha hỗn hợp trên với nước sôi trong một xô lớn.
- Ngâm đầu cây lau trong 10–15 phút, sau đó giặt lại bằng nước sạch, vắt khô và phơi ở nơi thoáng mát, có nắng.
3. Sàn nhà bị ẩm lâu ngày
Việc lau sàn quá thường xuyên hoặc sử dụng quá nhiều nước khi lau cũng có thể khiến sàn bị ẩm, đặc biệt là với các loại vật liệu như sàn gỗ, sàn công nghiệp hoặc sàn nhựa. Hơi ẩm không kịp thoát ra ngoài sẽ ngấm vào các lớp vật liệu, gây hiện tượng ẩm mốc bên dưới và tạo ra mùi hôi khó chịu.
Sàn gỗ còn có thể bị nứt, phồng rộp nếu bị ẩm thường xuyên. Ngoài ra, ẩm lâu ngày cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi dưới lớp sàn, gây mùi tanh ngầm mà khó xử lý nếu chỉ lau bình thường.
Cách xử lý:
- Hạn chế lau sàn mỗi ngày, đặc biệt là với sàn gỗ. Nên lau khô, hoặc vắt khăn thật kỹ trước khi lau.
- Bật quạt, mở cửa để tăng khả năng thoát ẩm sau khi lau.
- Có thể đặt máy hút ẩm hoặc máy lọc không khí để hỗ trợ cân bằng độ ẩm trong phòng.
4. Khe gạch (ron gạch) bị nấm mốc
Đối với sàn lát gạch, bản thân bề mặt gạch thường không có mùi, nhưng các khe hở giữa các viên gạch (còn gọi là ron) lại dễ bị ẩm và bám bẩn. Nếu thợ thi công sử dụng keo chít mạch kém chất lượng, những vị trí này rất dễ bị mục, phát triển nấm mốc.
Nấm mốc ở ron gạch không chỉ gây mùi tanh mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan sàn nhà. Đây là vị trí rất dễ bị bỏ qua khi vệ sinh thông thường.
Cách xử lý:
- Làm sạch ron bằng dung dịch tẩy rửa hoặc baking soda + giấm.
- Bôi gel diệt nấm mốc chuyên dụng vào các khe gạch, để trong 2–3 giờ rồi lau sạch bằng khăn ẩm.
- Đối với ron bị xuống cấp nghiêm trọng, nên cân nhắc chà lại hoặc thay thế keo chít mạch mới.
5. Gạch lát nền kém chất lượng cũng có thể gây ra mùi lạ
Ngoài cây lau nhà, bản thân sàn nhà cũng là một nguồn gây ra mùi tanh khó chịu.
Trong quá trình thi công nội thất, nhiều người lựa chọn lát gạch cho phòng khách, thậm chí lát toàn bộ sàn nhà bằng gạch men để tránh các vấn đề như khí formaldehyde từ sàn gỗ. Tuy nhiên, gạch lát nền kém chất lượng lại có thể trở thành nguồn gây mùi hôi.
Đặc biệt là các loại gạch men bị nung không đạt chuẩn, như gạch “lõi đen” hoặc “lõi vàng”, trong quá trình sản xuất có thể phát thải khí chứa lưu huỳnh như sulfur dioxide (SO₂) và hydrogen sulfide (H₂S). Những khí này có thể tích tụ trong các lỗ nhỏ li ti trên bề mặt gạch. Thêm vào đó, loại gạch này thường không phải là gạch sứ nguyên khối nên kết cấu gạch lỏng lẻo, dễ hút nước và là môi trường lý tưởng cho vi sinh vật phát triển.
Một vấn đề khác là mật độ gạch quá thấp, khiến nước lau nhà dễ ngấm vào bên trong. Khi nước tiếp xúc với bụi bẩn bên trong gạch, có thể sinh ra mùi khó chịu.
Theo thời gian, mùi đặc trưng của bản thân gạch cộng với mùi do vi sinh vật sinh ra sẽ dẫn đến mùi tanh dai dẳng trong không gian sống. Vì vậy, việc chọn gạch lát nền chất lượng cao là rất quan trọng để duy trì môi trường sống thoải mái và lành mạnh.
Trên thực tế, việc phát sinh mùi hôi sau khi lau nhà không phụ thuộc vào chất liệu sàn mà chủ yếu do cách sử dụng và bảo quản cây lau nhà, cũng như chất lượng nguồn nước. Dù bạn lát sàn gạch hay sàn gỗ, nếu dùng cây lau nhà ẩm mốc, nước bẩn hoặc không thay nước thường xuyên thì đều có thể phát sinh mùi hôi như nhau.
Một số kênh truyền thông cá nhân đã đưa ra giả thuyết rằng mùi tanh trong quá trình lau dọn nhà có thể đến từ hợp chất magie silicide (silicua magie) có trong gạch kém chất lượng. Theo họ, khi magie silicide gặp nước, sẽ sinh ra khí silan – một loại khí có mùi tanh giống mùi cá.
Nghe qua thì có vẻ hợp lý, nhưng xét về mặt hóa học thì điều này không đúng.
Trước tiên, magie silicide là gì? Đây là một hợp chất hóa học có công thức Mg₂Si, đặc trưng bởi điểm nóng chảy cao, độ cứng cao và mô đun đàn hồi lớn, được biết đến là một vật liệu bán dẫn loại n có khe năng lượng hẹp. Đây là hợp chất cực kỳ ổn định, không dễ phản ứng với nước hoặc các chất thông thường dưới điều kiện bình thường. Nó chỉ có thể phân giải trong axit loãng hoặc trong nước sôi.
Ngay cả khi bạn đổ nước sôi lên gạch có chứa magie silicide và nó có phản ứng tạo ra khí silan, thì khí silan (SiH₄) vốn không màu, không mùi, không vị, hoàn toàn không có mùi tanh như nhiều người lầm tưởng. Do đó, lý thuyết cho rằng magie silicide gặp nước tạo ra mùi tanh là không có cơ sở hóa học chính xác.

Gạch hoặc gỗ lát nền kém chất lượng cũng có thể gây ra mùi lạ (ảnh minh họa)
Cách xử lý:
-
Nếu mùi tanh nồng và xuất hiện liên tục, rất có thể do bản thân viên gạch phát sinh khí hoặc đã bị nhiễm ẩm nghiêm trọng.
-
Trong trường hợp này, cần xác định khu vực gạch phát mùi nhiều nhất, gỡ kiểm tra 1–2 viên nghi ngờ.
-
Nếu phát hiện gạch có cấu trúc xốp, nhiều lỗ rỗng, mềm yếu khi gõ – đây là dấu hiệu gạch kém chất lượng, nên thay thế từng phần hoặc toàn bộ tùy mức độ.
Kết luận: Việc sàn nhà bốc mùi tanh sau khi lau không phải là điều quá bất thường, nhưng nếu không xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và chất lượng không gian sống. Chỉ cần thay đổi một vài thói quen và lưu ý nhỏ, bạn hoàn toàn có thể giữ cho ngôi nhà luôn sạch thơm, dễ chịu.
Xem thêm: Cách lau sàn đúng cách cho từng mọi mặt sàn